Đi cùng với căn bệnh Đái tháo đường là hàng loạt những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách thì chúng ta có thể ngăn ngừa được biến chứng, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm gánh nặng điều trị.
Theo Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế (IDF) ước lượng có khoảng 4 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh trên tổng số 90 triệu dân vào năm 2012. Con số này thấp hơn thực tế. Thế nhưng chỉ có 33,4% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán, và 56,3% bệnh nhân đã được chẩn đoán nhưng chưa được điều trị.
Thực tế cũng cho thấy, bệnh nhân đái tháo đường thường ít có triệu chứng và chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc khi có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; khi bị nhiễm trùng da kéo dài... Nhiều người ban đầu không biết mình bị bệnh, khi bệnh có biểu hiện rõ thì đã chuyển sang giai đoạn nặng khiến việc điều trị các biến chứng lại trở thành gánh nặng chồng chất lên nhau nên sẽ vô cùng tốn kém, khó khăn.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, mới đây, Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam (The Vietnamese Association of Diabetes and Endocrinology-VADE), Hội Đái tháo đường Mỹ (American Diabetes Association-ADA) đã phối hợp cùng 5 Trung tâm đào tạo trên toàn quốc (bao gồm Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Y Dược Huế; Trung tâm đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy; Trung tâm đào tạo Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm đào tạo Bệnh viện nội tiết Trung Uơng) và công ty Sanofi chính thức tổ chức Lễ khai giảng Chương trình Đào tạo quốc tế chuẩn hóa về đái tháo đường (iSTEP-D) từ năm 2014-2016 dành cho 1,500 bác sĩ nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia và bác sĩ tham gia khóa đào tạo, việc cập nhật kiến thức thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế về bệnh đái tháo đường cho các BS nội tiết và đa khoa là rất ý nghĩa và cần thiết bởi sẽ hỗ trợ rất lớn cho y tế cơ sở, giảm gánh nặng bệnh nhân đái tháo đường đổ dồn về tuyến cuối. Cùng với đó, nội dung đào tạo gồm tất cả các vấn đề liên quan đến chẩn đoán và điều trị đái tháo đường, từ những vấn đề của người trưởng thành, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cho đến giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn…, và các vấn đề mới được quan tâm trong thời gian gần đây, ví dụ: Trầm cảm và bệnh nhân đái tháo đường. Nhờ vậy bệnh nhân sẽ được điều trị một cách toàn diện hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét